Đó là một trong rất nhiều câu chuyện đầy đau đớn, tủi nhục, tưởng như "sống để bụng chết mang theo"... mà chỉ đến khi tham gia Dự án Phòng chống bạo hành đối với những người đồng giới nam, các bạn đồng tính này mới dám kể ra.
Bị bạo hành vì là... đồng tính
Dự án nêu trên chỉ là một trong nhiều dự án liên quan đến người đồng tính mà Cty Tư vấn đầu tư Y tế (Cihp) thực hiện với nguồn vốn chủ yếu xin tài trợ từ các tổ chức nước ngoài. Tham gia dự án này có 16 bạn đồng tính (hiện đang sinh sống tại 2 thành phố lớn là TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội), ở đủ mọi thành phần xã hội, từ học sinh, sinh viên, thợ trang điểm, người tổ chức show biểu diễn, đến bác sỹ. Ngoài các buổi hội thảo, nói chuyện, triển lãm tranh, nhóm nghiên cứu dự án còn đang ấp ủ xuất bản cuốn sách nói về tâm sự cuộc đời của chính những bạn đồng tính đang tham gia dự án với nhan đề "Những câu chuyện chưa được kể".
Nhớ lại quãng đời đầy sóng gió vừa mới trải qua, L (một bạn trong nhóm 16 người đồng tính) kể: "Khi phát hiện ra tôi bị đồng tính, ba tôi đã xích chân tôi vào cầu thang như một con chó. Ông vừa thét, vừa tát một cái tát như trời giáng vào mặt tôi rồi giận dữ chửi "Mày là thằng chó đẻ. Tao không có đứa con như mày. Sinh ra mày, nuôi khôn lớn, ăn học bằng người, mày còn muốn gì mà còn bày đặt mấy trò bệnh hoạn đó". Câu nói chưa dứt thì tôi còn bị lãnh thêm hai cú đá vào bụng. Mẹ tôi thảng thốt, lao vào che chắn cho tôi khỏi những cú đá liên tiếp. Bà khóc, còn tôi cắn chặt môi chịu đau để không bật lên tiếng khóc.
Lúc đó tôi nghĩ mình không làm gì sai, không ăn trộm, không giết người, thậm chí trước đó tôi còn là một đứa con ngoan, một học sinh giỏi. Nếu có tội thì chỉ có một tội là tại sao tôi sinh ra lại không giống như bao nhiêu người. Bản thân tôi cũng mới nhận ra và đã thú thực với gia đình về điều đó. Suốt một tuần sau khi bị ba tôi xích lại, tôi không thiết ăn uống, chỉ ngủ mê man. Đến ngày thứ 19 thì sức chịu đựng ngoan cường bị bẻ gãy. Tôi cố bò đến chén cơm gần đó. Ba tôi đứng dậy mở khóa chân vẫn kèm theo câu chửi "Sao mày không nhịn cho đến chết đi. Con với cái, cứng đầu cứng cổ".
Sau vụ đó, tôi như trở thành con người khác, một cái xác không biểu lộ. Thể chất thì đang phục hồi nhưng tâm hồn thì bị tổn thương ghê gớm, không gì có thể bù đắp được. Lúc mới tham gia dự án, tôi vẫn giữ thái độ đó, rụt rè, ít nói, ít biểu cảm. Phải mất một thời gian, tôi mới có thể mở lòng để chia sẻ với người khác".
Chung cảnh ngộ với L, bạn T.V kể: "Ở tuổi 13 tôi thường nghe mọi người ghẹo là "đồ pê-đê", "bóng lẹo cái". Thậm chí, tôi còn bị bạn bè chửi bới, xúc phạm, đánh thâm tím mặt mày, bị xé, bị lột quần áo trước đám đông để xem là con trai hay gái mặc dù tôi chẳng làm gì ai. Mẹ tôi lúc đầu cũng cảm thấy bị sỉ nhục lắm. Mẹ đánh tôi và luôn nhắc nhở tôi phải chứng tỏ "bản lĩnh đàn ông". Nhưng dần dần, bà cũng hiểu và cảm thông vì dù thế nào, tôi cũng luôn sống tốt, làm việc tốt mặc dù lũ trẻ trong xóm tôi lớn lên có đứa nghiện hút, đứa trộm cắp, có đứa chết vì AIDS. Mới đây, mẹ tôi cũng tìm được lý do để tự hào về tôi. Bà cùng tôi đi chọn đầm để tôi có thể tham gia cuộc thi người đẹp của thế giới thứ 3".
Cay đắng cuộc đời của một trai bao
Không được may mắn như những bạn khác trong nhóm (vì đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ AIDS), một đồng tính nam có bút danh là Mein chia sẻ về cuộc đời với những câu chuyện không thể tin nổi của mình: "Tôi bỏ học giữa chừng khi bước sang tuổi 17. Cuộc đời xô đẩy thế nào mà tôi lại trở thành trai bao và mắc căn bệnh thế kỷ khi tuổi đời còn quá trẻ - tuổi 18. Khi làm trai bao, tôi từng bị ông chủ cùng với những người nam bán dâm khác cưỡng bức. Nhục nhã, đớn đau khi những khách hàng cũng chỉ coi tôi như một món đồ chơi, một công cụ bằng da, bằng thịt để họ thỏa mãn nhu cầu sinh lý.
Cuộc sống tưởng như đã hoàn toàn khép lại, chỉ có bóng tối...
Cuộc sống tưởng như đã hoàn toàn khép lại, chỉ có bóng tối. Nhưng khi tham gia vào các diễn dàn, vào các dự án liên quan đến người đồng tính, tôi đã tìm được lý do để vật lộn, để cố gắng sống có ích và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Tôi đã từng nhận lời phỏng vấn của một tờ báo với cam kết họ được sử dụng tên, địa chỉ thực. Lúc đó tôi chỉ muốn nhận được sự cảm thông từ xã hội, muốn cuộc đời của tôi sẽ giúp người khác tránh bước vào những vết xe đổ.
Nhưng không ngờ hậu quả của bài báo đó còn nặng nề hơn tất cả những thứ đắng cay, tủi nhục khác tôi đã từng gặp trên đời. Những lời bình luận vô tâm của tác giả đã đẩy tôi xuống vực thẳm. Gia đình tôi chửi rủa "Thằng mất dạy. Mày đã bôi tro trát trấu vào mặt gia đình. Mày tự hào lắm khi được làm thằng cave đực, dính si-đa mà còn chình ình lên mặt báo".
"Không thể vượt qua cảm xúc mà những gì bài báo mang đến. Tôi biệt lập với thế giới bên ngoài 30 ngày, không nói chuyện, không tiếp xúc với ai. Xung quanh tôi chỉ có bốn bức tường", Mein nghẹn ngào nói.
Chống bạo hành đối với người đồng giới
Trao đổi với phóng viên, BS.Ths Hoàng Tú Anh, người thực hiện Dự án Phòng chống bạo lực đối với những người đồng tính nam cho biết: "Ban đầu chúng tôi đã gặp phải vô vàn khó khăn trong việc giúp các bạn ấy "mở lời" vì nhiều người trong số họ đã bị tổn thương rất lớn. Có những chuyện đau buồn mà đến giờ họ cũng không muốn kể lại.
Tham gia dự án, cái mà những người đồng tính này nhận được đầu tiên, là họ cảm thấy được trân trọng. Sau đó, sẽ hình thành được mạng lưới để các bạn có thể chia sẻ giúp đỡ nhau, tìm được mục đích sống tốt hơn. Sống có ích, không chỉ giúp cho chính bản thân các bạn, mà còn cho cả xã hội".
"Mới đây, tôi còn nhận được tin nhắn của một bạn trong nhóm nói rằng đã lâu lắm rồi em ấy luôn sống khép mình, không quan tâm đến ai. Nhưng nhờ tham gia vào Dự án, em ấy đã tìm được "một nửa" của mình", chị Tú Anh chia sẻ.
Cũng theo BS. Tú Anh thì câu chuyện mà người làm dự án muốn đề cập đến chính là câu chuyện về bạo hành. "Người đồng tính thì cũng là con người, do đó họ cần được bảo vệ để tránh khỏi bị người khác bạo hành, phân biệt. Đối tượng gây áp lực, bạo lực cho các bạn đồng tính này gồm cả môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Khi tiến hành dự án, chúng tôi cũng nhận được phản hồi từ chính phía bố mẹ các bạn. Họ không cho rằng mình đã có hành vi bạo hành với con mà đó chỉ là cách dạy con", chị Tú Anh cho biết.
Thông qua đây, nhóm nghiên cứu cũng muốn gửi thông điệp cho các bậc phụ huynh là họ nên hiểu con mình cần gì, cái gì là tốt cho con. Vì lý do gì mà trước đây nhiều bạn trong số này từng học giỏi nhưng sau đó phải bỏ học giữa chừng, hoặc học hành sa sút, bỏ lỡ cơ hội vào Đại học. Có bạn còn phải bỏ ra ngoài sống vì nhận phải sự quay lưng từ phía gia đình.
You have read this article with the title Chuyện đắng lòng trong thế giới thứ 3. You can bookmark this page URL http://tankmanww2.blogspot.com/2013/02/chuyen-ang-long-trong-gioi-thu-3.html. Thanks!