Nỗi niềm người đồng tính




Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau xa người mình thương; không nỗi bất hạnh nào bằng nỗi bất hạnh không được sống với chính mình. Người đồng tính nam là những người như thế. Khi đứng trước sân khấu, họ phải “gồng mình” để thực hiện tốt vai diễn mà “lão đạo diễn cuộc đời”
 
dàn dựng.



Cuộc đời là một sâu khấu lớn, người đồng tính là một diễn viên
Shakepeare cho rằng “cả thế giới là một sân khấu mà trên đó những người đàn ông, đàn bà là những diễn viên”. Nói cách khác, toàn bộ xã hội là một tấn kịch khủng lồ với những diễn viên vừa đóng vai khán giả,
 vừa đóng vai nhân vật. Các diễn viên này có nhiệm vụ diễn tốt vai diễn của mình, tức là thực hiện tốt vai trò xã hội của họ.


Goffman, nhà xã hội học Mỹ, cho rằng khi xuất hiện trước người khác, cá nhân luôn cố gắng tạo ra và duy trì một biểu cảm phù hợp với người khác, phù hợp với tình huống cụ thể. Cùng một vấn đề, một dạng biểu cảm, cá nhân thể hiện trước người khác không giống với khi cá nhân ở một mình. Hay nói cách khác, cá nhân đó đang diễn vai nào trong xã hội thì buộc anh ta phải nhập vai theo yêu cầu của kịch bản chứ không theo ý muốn cá nhân, và sau khi kết thức vai diễn, cá nhân đó mới trở lại chính mình. 

Với quan niệm như vậy, Ông làm rõ quan niệm cuộc đời là một sân khấu, mỗi tình huống là một cảnh, một đoạn kịch trong đó mỗi cá nhân thể hiện, đóng vai diễn của mình. Mỗi cá nhân đều học vai trò, chuẩn bị vai, vào vai, nhập vai trong từng cảnh ở nhà, trên đường phố, tại văn phòng, công sở và trong từng mối tiếp xúc cụ thể với những người xung quanh. 
Như vậy, trong cuộc sống, mỗi cá nhân luôn thể hiện tính cách cá nhân qua hai bộ mặt, một là bộ mặt mà cá nhân đó phải diễn khi đóng vai diễn đó; một là bộ mặt chính của cá nhân khi thoát khỏi vai diễn. bộ mặt này của cá nhân khó được nhận thấy bởi vì nó chỉ bộc lộ khi cá nhân đó đối diện với chính bản thân họ. Người đồng tính nam là một diễn viên và thủ vai do “đạo diễn cuộc đời” dàn dựng. Mỗi người có một địa vị xã hội khác nhau, nên khi diễn, họ phải cố gắng hoàn thành vai diễn với sự mong muốn và kỳ vọng của gia đình và xã hội. Nếu không diễn khéo, diễn tốt thì sẽ bị gia đình và cộng đồng lên án.



Sự kỳ vọng của gia đình và xã hội là áp lực đối với “người đồng tính”

Ở một số nước Phương Tây, tình dục đồng giới đã được công nhận, tuy mức độ rất hạn chế. Riêng ở Việt Nam, đây là điều mà nhiều người vẫn cho là không thể chấp nhận được, do ảnh hưởng nhiều yếu tố văn hoá, chính trị và xã hội. Có thể nói, tình dục đồng giới là một điều “kinh khủng” đối với nhiều người, nó bị xem là “biến thái”, “lập dị”. Sự kỳ thị của cộng đồng đã đẩy xô những người có xu hướng tình dục đồng giới vào “vùng trũng” của xã hội, và rồi, bản chất thật của họ chỉ trỗi dậy trong “ bóng đêm”. Đối với nhiều người, “Bóng đêm” là nỗi sợ hãi, nhưng riêng người đồng tính thì đây lại là nơi để họ trở lại con người thật; là nơi họ sống với chính bản thân mình và tìm thấy sự “nhẹ nhàng” trong cuộc sống.

Có nhiều người trong số những người đồng tính nam là những người có trình độ học vấn cao, có địa vị cao trong xã hội, được gia đình và cộng đồng kỳ vọng rất lớn. Gia đình và xã hội mong muốn họ có gia đình, là một người chồng, người cha mẫu mực. Chính kỳ vọng đó đã tạo ra nhiều áp lực xã hội đối với họ. Vậy là để tránh “tai tiếng”, họ phải thực hiện những mong muốn của gia đình và xã hội.

Có thể nói, gia đình là “tấm bình phong” để che dấu bản chất thật của họ. Có nhiều người tâm sự, lập gia đình chỉ để “che mắt” thiên hạ về bản thân; quan hệ tình dục với vợ chỉ là nghĩa vụ và trách nhiệm chứ không mang lại sự khoái cảm. Hay những lúc quan hệ với vợ, họ chỉ nghĩ đến người đồng giới, khi đó mới có thể mang lại cảm giác... Nhưng không phải ai cũng hiểu điều đó. Không những thế, để tránh sự nghi ngờ của vợ, của người thân, họ thường xuyên phải cố gắng thực hiện tốt vai trò của người chồng và người cha. Họ thường xuyên tỏ ra rất chu đáo với mọi người. Song, đôi lúc, điều đó khiến cho họ cảm thấy bất lực và giả dối; thậm chí, họ muốn buông xuôi, nhưng vì hạnh phúc gia đình, tương lai của con trẻ, họ phải cố gắng gồng mình thực hiện vai trò đó.
Như vậy, Sự kỳ thị của cộng đồng buộc họ phải diễn vai của mình như một người bình thường, như một người chồng, người cha gương mẫu, chỉ đến khi thoát khỏi vai trò ấy, họ lại phải đối diện với những khao khát quan hệ đồng giới đến cháy lòng.

Câu hỏi đặt ra “bạn có muốn lập gia đình?”- một câu hỏi rất khó đối với những người này .Nhiều câu trả lời khác nhau với những thái độ khác nhau. Có người nói rằng “mình sẽ lập gia đình vì không thể sống như thế này mãi”; cũng có người phó thác cho số phận “đến đâu hay đến đó”; có người quyết định sống đến cuối đời không kết hôn vì họ cho rằng nếu mình không muốn mà lao vào thì sẽ làm khổ cho người ta và khổ cho chính mình... và cũng có cả sự im lặng với một nỗi niềm sâu lắng. Nhưng, xu hướng chung, mọi người đều không mong muốn bị xã hội lên áng và kỳ thị. Có lẽ, lập gia đình là giải pháp tốt nhất “che dấu” con người thật của họ.

Lắng nghe “tiếng nói” người trong cuộc!

Những từ “pê đê” hay “bóng” là sự miệt thị của cộng đồng dành cho người đồng tính. Nhưng có lẽ, mọi người không hiểu hết được nỗi lòng của người trong cuộc. Chúng ta thử một lần lắng nghe tâm sự để hiểu “con người thật” của những người như vậy.

Dòng đời nghiệt ngã, lớn lên trong sự yêu thương và chăm sóc của người thân trong gia đình. Thời gian trôi qua, Chiến bỗng thấy mình có cảm giác là lạ, chỉ thích người cùng giới. Bắt đầu từ đây, sự hồn nhiên của Chiến được thay bằng chuỗi ngày ưu tư, trầm lặng. Bây giờ, anh đã có địa vị xã hội cao, nhưng anh luôn trăn trở “nếu tạo hoá cho tôi sự lựa chọn sự nghiệp và “con người bình thường”, tôi sẽ chọn làm “người bình thường”; nếu có ai đó đổi lấy địa vị của tôi để tôi trở thành người bình thường, tôi sẵn sàng chấp nhân”. Thiết nghĩ, không ai mong muốn mình thuộc “thế giới thứ ba”; nhưng, do “nghịch cảnh dòng đời” đã khiến cho họ trở thành người mà một số người trong xã hội vẫn cho là “lập dị”. 

Cái chết là cách giải quyết tốt nhất mà những người không may mắn thường lựa chọn, bởi vì theo họ, chết là hết, là giải thoát cho bản thân ra khỏi tình trang hiện tại và khao khát sẽ trở thành “người bình thường” ở kiếp sau. “Từ khi biết mình thuộc thế giới thứ 3, tôi luôn trăn trở và lo sợ mọi người, nếu không may, mọi người biết tôi là người đồng tính, chắc tôi chết mất...”. Hay một tâm sự khác, “nhiều lúc mình muốn chết đi để giải thoát cuộc đời này, cuộc đời này quá khắc nghiệt; mong muốn trở thành “người bình thường” ở kiếp sau””. 

Lời kết

Cuộc đời là một tấn kịch khổng lồ mà người đồng tính phải thủ một vai diễn hay nhiều vai diễn. Trong đó, vai diễn là người bình thường, là người chồng, người cha mẫu mực là vai diễn khó, họ phải gồng mình để thực hiện nó. Do đó, vai diễn ấy đã tạo ra áp lực đối với họ. Qua những dòng tâm sự đã nói lên người thuộc “thế giới thứ 3” có nhiều áp lực và có nhiều người muốn tìm đến cái chết hay phó mặt cho “dòng đời” là cách ứng phó đối với những áp lực do gia đình và xã hội tạo ra. 
Không ai mong muốn mình là kẻ “lập dị”, không ai muốn mình bị cộng đồng xa lánh. Vì thế, gia đình và cộng đồng hãy lắng nghe tâm sự và mở rộng “vòng tay nhân ái” để giúp những người đồng tính thoát khỏi “bóng đêm” của cuộc đời.

You have read this article with the title Nỗi niềm người đồng tính. You can bookmark this page URL https://tankmanww2.blogspot.com/2013/02/noi-niem-nguoi-ong-tinh.html. Thanks!