Này, gã XYZ thích màu đen đấy.
- Trời đất, thật bất bình thường, thật kinh tởm! Từ nay chúng ta sẽ cắt đứt quan hệ với nó. Mà nó đẹp trai thế cơ mà, sao lại ra nông nỗi ấy? Phải nói cho mọi người biết để tránh xa cái đồ có ý thích lệch lạc như vậy. Chúng ta phải theo dõi từng đường đi nước bước của cái đồ bệnh hoạn ấy. Phải bảo mọi người cẩn thận kẻo “lây” mất thì nguy.
Đoạn hội thoại trên có thể làm bạn giật mình kêu lên: “vô lý”, “nhẽ đâu lại thế”, “phản ứng mới kỳ quặc làm sao!”. Nhưng trên thực tế, nếu thay từ “màu đen” bằng “một người con trai” thì câu chuyện tưởng chừng như không tưởng kia lại thật đến vô cùng. Những người có tình yêu đồng tính hiện nay vẫn đang bị xã hội áp đặt một sự đối xử bất công nếu không muốn nói là vô lý.
Phàm khi gặp ai đó khác thường - khác mình - phản ứng thường thấy của đám đông xã hội là:
- Tôn trọng tuyệt đối, ngưỡng mộ.
- E dè, khinh bỉ, coi là bất bình thường và cần phải loại bỏ, hạn chế. Thái độ chung của xã hội Việt Nam hiện nay về chủ đề đồng tính đang ở giả thiết thứ hai. Tuy vậy, ta biết rằng cũng một sự vật hiện tượng nhưng tuỳ vào thời điểm, thời gian, không gian văn hoá, vị trí địa lý… mà cách diễn giải và thái độ của xã hội khác nhau.
Không ai lên án Nguyễn Trãi vì ông có nhiều hơn một bà vợ và lấy người trẻ hơn mình hàng chục tuổi. Nếu là ngày nay, ông đã phải ra toà vì tội đa thê. Nhưng câu trả lời là: xã hội thời ấy nó thế! Tương tự, nếu coi việc lấy vợ trẻ dưới 16 tuổi là phạm pháp, chắc nhiều vị danh nhân đất Việt ta phải vào vòng lao lý. Ở Việt Nam là vậy, trên thế giới cũng không khác.
Nên nhớ rằng vào thời Hy Lạp cổ đại, tình yêu đồng tính là chuyện hoàn toàn tự nhiên. Từ péderaste (mà biến thể của nó là “pê-đê” trong tiếng Việt) thực ra không hề có nghĩa xấu vào thời đó. Từ này được cấu thành từ hai chữ “trẻ tuổi, trẻ em” và “người yêu”.
Cụm từ này nhắc đến một mô hình đào tạo rất phổ biến trong xã hội Hy Lạp cổ đại. Một thiếu niên muốn trưởng thành về trí tuệ và tình dục cần tìm cho mình một vị thầy - một người đỡ đầu gọi là éraste. Ngươi thầy này sẽ hướng dẫn các môn khoa học, triết học, nghệ thuật cho học trò và trong nhiều trường hợp, có quan hệ tình dục với cậu học trò (éromène) này cho đến khi cậu bé hết tuổi dậy thì. Đây là mô hình phổ biến trong xã hội vốn rất phát triển của Hy Lạp thời bấy giờ.
Thần thoại Hy Lạp cũng đầy rẫy các câu chuyện tình đồng giới. Không phải ngẫu nhiên mà các tác phẩm nghệ thuật thời này lại tôn vinh vẻ đẹp trần trụi của đàn ông, nhất là của đồng nam biến thể. Không chỉ có đàn ông, nữ thi sĩ Sapho cũng nổi tiếng với những mối tình đồng giới của mình.
Ngày nay, trong ngôn ngữ bác học của tiếng Pháp, Saphorisme là từ dùng để chỉ những cặp đồng tính nữ. Đến thời La Mã, nổi bật với những cuộc chinh chiến liên miên, nếu không tìm được những nữ nô lệ để thoả mãn tình dục, binh sĩ La Mã có thể quan hệ đồng giới. Đây được coi là một phương pháp giải toả sinh lý và tăng cường sự gắn kết trong binh lính.
Nhìn sang phương Đông, chuyện tình đồng giới cũng không phải là hiếm. Người ta còn nhớ tới một vài vị vua Trung Hoa thích gần gũi vớicác đồng nam. Tình dục đồng giới cũng không xa lạ và không hề là một tội trong văn hoá Nhật Bản xưa.
Tình dục đồng giới trong các thiền viện xuất hiện từ khoảng thế kỷ IX và nở rộ cho đến thế kỷ XVI. Trong một chừng mực nào đó, mối quan hệ này được coi là “ít nguy hiểm” khi nó nặng về “giải quyết sinh lý” hơn là sự luyến ái tình yêu nam nữ vốn bị cấm chỉ trong đạo Phật. Năm 1591, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đã ngạc nhiên trước sự phổ biến không giấu giếm của quan hệ đồng tính trong xã hội Nhật lúc bấy giờ.
Như vậy, tình dục - tình yêu đồng giới không phải là một “căn bệnh của thời hiện đại” như nhiều người lầm tưởng. Nó là điều đã, đang và sẽ xảy ra như một thực tế của xã hội, của thiên nhiên. Đồng tính đồng nhất với “gu”, với “sở thích” và không hề là một “căn bệnh” cả về thể xác lẫn tinh thần.
Tại Việt Nam, người đồng tính vẫn đang bị coi là những người “lệch lạc” về tâm lý và sở thích tình dục. Nhưng có lẽ một trong những quyền cơ bản nhất của con người là quyền được tôn trọng những sở thích mang tính riêng tư của mình. Không thể có phân biệt đối xử với một người chỉ vì anh ta/ chị ta không thích cùng thứ như mình.
Thực chất, có nhiều văn nghệ sỹ được yêu mến và họ là đồng tính. Số lượng những người đồng tính ở Việt Nam hầu như không hề tăng lên, có chăng chỉ là số lượng những người dũng cảm sống thật với mình tăng lên mà thôi.
Cái cảm giác e sợ dẫn đến kỳ thị những cái không giống mình đã được nhắc tới ở đầu bài đang được tăng cường với những nhận định lệch lạc mà một số phương tiện truyền thông hay điện ảnh truyền tải. Hễ nhắc tới người đồng tính là người ta đưa ra những tấm hình sặc sỡ, lòe loẹt, "mắt xanh, mỏ đỏ. Trên phim, họ là những người ẽo ợt, tìm cách hôn người đồng giới với những điệu bộ được cách điệu quá đà, phản cảm.
Nếu cả tin vào những hình ảnh lệch lạc được chuyển tải, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy hai người đàn ông lịch lãm, tinh tế và galant với phụ nữ, lại đi du lịch cùng nhau và ngủ chung giường; bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy hai cô gái tay trong tay đi dạo sau khi đã cùng sáng tác trong một tác phẩm; tình yêu “chết người” của hai cô gái trong bộ phim nổi đình nổi đám năm 2006: Hai con gái ông chủ vườn thuốc của Đới Tư Kiệt; bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy một anh chàng bỏ vợ con, gia đình đi theo tiếng gọi của trái tim với… một người đàn ông khác, cả hai đều rất manly (nam tính)…
Hãy nhớ đến mối tình thiết tha của Ennis và Jack trong bộ phim bom tấn Brokeback Mountain của đạo diễn Lý An khi tìm đến nhau sau bao năm xa cách và không sống thật với tình cảm của mình, rung cảm của nhân vật nữ trong Baby Thượng Hải của Vệ Tuệ khi nhận được nụ hôn của cô bạn cùng giới, đên cuộc đời đầy chìm nổi vì yêu của đại danh hào Oscar Wilde… và còn nhiều ví dụ nữa.
Tình yêu giữa những người đồng tính là tình yêu giữa con người với con người. Theo nghĩa ấy, nó bao gồm cả hỷ, nộ, ái, ố, cả những biểu hiện bình thường cũng như thái quá, chẳng khác gì tình yêu giữa những người khác giới. Với đa số họ (những người đồng tính) yêu là sự sống như biết bao người khác. Nếu không đồng ý với nhận định đấy, ít nhất cũng cần tôn trọng tình yêu của mỗi người.
You have read this article with the title Tránh xa hay đồng cảm với thế giới thứ 3 ?. You can bookmark this page URL https://tankmanww2.blogspot.com/2013/02/tranh-xa-hay-ong-cam-voi-gioi-thu-3.html. Thanks!