Nhiều lá thư của những người có xu hướng tính dục khác thường, trong đó một số là những người tình dục đồng giới (TDĐG), họ bộc lộ một thái độ chân thành và đau khổ về tình trạng tính dục của mình. Họ là học sinh, sinh viên, giảng viên đại học... họ đáng thương hay đáng trách, hành vi của họ có phương hại đến đạo đức xã hội không và xã hội cần nhìn nhận những xu hướng tính dục khác thường như thế nào, loại nào đáng phê phán và loại nào cần rộng lượng.
Tình dục đồng giới là về một xu hướng tính dục không bình thường - đó là sự hấp dẫn, thu hút về mặt tình cảm và thể chất với một cá thể cùng giới. Xu hướng tính dục là một trong 4 yếu tố tạo nên tính dục người. Đừng lầm lẫn tính dục với tình dục (thuật ngữ này chỉ phản ánh quan hệ tính giao giữa nam nữ). Tính dục là một khái niệm có nội hàm rộng hơn, vừa phản ánh quan hệ tính giao giữa 2 cá thể khác giới (trong tuyệt đại đa số trường hợp) vừa chứa đựng những yếu tố tạo nên phần hữu hình và cả phần vô hình của một con người.
Ngay từ những năm 70, Ủy ban giáo dục và thông tin về tình dục ở Mỹ đã đưa ra định nghĩa hiện đại về tính dục như sau:
Tính dục là tổng thể con người, bao gồm mọi khía cạnh đặc trưng của con trai hoặc con gái, đàn ông hoặc đàn bà và biến động suốt đời. Tính dục phản ánh tính cách con người, không phải chỉ là bản chất sinh dục. Vì là một biểu đạt tổng thể của nhân cách, tính dục liên quan tới yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội, tinh thần và văn hóa của đời sống. Những yếu tố này ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách và mối quan hệ giữa người với người và do đó tác động trở lại xã hội.
Như vậy, tính dục người là toàn bộ con người đó như là người nam hay người nữ và những yếu tố tạo nên tính dục cũng là những thành phần làm nên nhân cách - tổng thể những phẩm chất tâm lý đặc trưng ở một con người, thể hiện ra bằng hành vi ứng xử. Với định nghĩa nói trên, khi xem xét tính dục đồng giới, ta đồng thời xem xét những biểu hiện nhân cách của những có xu hướng tính dục này.
Ngoài xu hướng tính dục, 3 yếu tố khác tạo nên tính dục là: Giới sinh học (hình thái, cấu trúc và chức năng của cơ thể nam nữ). Bản sắc giới (cảm nhận tâm lý thuộc về nam hay nữ). Vai trò xã hội của giới (có hành vi phù hợp với chuẩn mực văn hóa của giới nam hay nữ, thường được coi là giới tính tâm lý).
Những xu hướng tính dục thường dễ nhận thấy nhất ở loài người là xu hướng tính dục khác giới (hấp dẫn về mặt tình cảm và tình dục với người khác giới), xu hướng tính dục cùng giới (hấp dẫn với người cùng giới), xu hướng lưỡng tính dục (hấp dẫn với cả 2 giới), cũng có thể còn có một xu hướng nữa là không hấp dẫn với bất cứ một giới nào (asexual). Những người có xu hướng tính dục đồng giới có thể là nam hay nữ. Không phải lúc nào xu hướng tính dục cũng được biểu lộ để mọi người nhận thấy, nhiều khi nó được giấu kín.
Căn cứ vào những điều nói trên, người TDĐG chỉ khác với mọi người chủ yếu ở xu hướng tính dục (hấp dẫn với người cùng giới), ngoài ra họ có cấu trúc gen bình thường (XY hoặc XX) với hình thể bình thường thuộc nam hay nữ, có bản sắc giới bình thường (vẫn cảm nhận mình là nam hay nữ) và vai trò giới cũng bình thường trong hầu hết trường hợp (sống và cư xử như một người nữ nếu là đồng giới nam và ngược lại). Vậy nhân cách người có hành vi TDĐG có gì đe dọa xã hội, ngoại trừ xu hướng tính dục của họ?
Để trả lời câu hỏi trên, ta hãy xem xét vì sao họ lại có hành vi tính dục khác đa số và hành vi đó có nên coi là bình thường và tự nhiên không, họ đã được giới khoa học nhìn nhận như thế nào và hành vi của họ có hại gì cho xã hội?
Các nhà tâm lý, các khoa học gia về sức khỏe tâm thần và tính dục người đều chia xẻ quan điểm coi hành vi TDĐG là một xu hướng tính dục có tính chất cố định, không phải là sự lựa chọn của cá nhân, nó được hình thành ngay từ nhỏ do sự tác động qua lại của các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội, trước cả khi có trải nghiệm tình dục. Có một số người đã thử thay đổi xu hướng tính dục, từ đồng giới chuyển thành khác giới nhưng không thành công. Xu hướng TDĐG, tuy chỉ chiếm khoảng 5% số người đã trưởng thành (dữ liệu Mỹ) nhưng không có nghĩa là không giống đa số là không bình thường, vì thế nào là bình thường khi người TDĐG không thể chấp nhận hành vi tính dục khác giới và ngược lại, nhưng cả hai lại coi hành vi của người lưỡng tính dục là bình thường. Giả thuyết có vẻ hợp lý nhất, dựa trên những nghiên cứu các cặp song sinh, cho rằng những người TDĐG có những thay đổi khó nhận biết ở bản thân các gen, ở tác dụng qua lại giữa các gen và bộ phận cảm thụ hóc-môn của các trung tâm thần kinh (vùng dưới đồi, não giữa) nơi chi phối mọi hành vi, cảm xúc tình dục. Vì thế, những người TDĐG chỉ là nạn nhân của một cấu trúc sinh học mà họ không thể thay đổi được. Năm 1973, Hội tâm thần học Mỹ đã không để TDĐG vào danh sách các bệnh về tình cảm và tinh thần, năm 1975 Hội Tâm lý Mỹ cũng đã thông qua một nghị quyết ủng hộ chủ trương nói trên. TDĐG không được xếp vào danh sách các bệnh tinh thần hay rối loạn tình cảm - những người có xu hướng tính dục này hoàn toàn khỏe mạnh, họ có năng lực thể chất như nhiều người khác (phần lớn có khả năng hoạt động tình dục bình thường và có thể sinh sản, chỉ có điều họ bị chi phối bởi xu hướng tính dục nên không thể có hấp dẫn với người khác giới) và nhiều người có năng lực trí tuệ của nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ. Họ vẫn có những đam mê công việc, yêu quý người thân và cũng biết nuôi dạy con cái như những bậc cha mẹ tốt. Những trẻ được những người TDĐG nuôi dạy không thấy có sự phát triển khác thường về chỉ số thông minh, tâm lý, vai trò xã hội, bản sắc giới, quan hệ bạn bè... so với những trẻ khác. Do hoàn cảnh xã hội chưa có thái độ dung nạp, thậm chí nghiệt ngã, nhiều người TDĐG có cuộc sống cách biệt, phải chịu đựng những nhìn nhận không chính đáng cho nên có thể có những tâm trạng như mặc cảm, hoài nghi xã hội. Cũng có thể kèm theo một rối loạn nào đó như thích bái vật (nảy sinh hứng khởi tình dục với bộ phận nào đó của cơ thể như bàn chân, bàn tay, tóc... hoặc đồ vật tiếp xúc với bái vật như giày dép)... nhưng tỷ lệ những rối loạn này ở người TDĐG không khác gì so với quần thể tình dục khác giới.
Nhiều người đã xem xét vấn đề TDĐG dưới góc độ đạo đức và tôn giáo mà không quan tâm đến các yếu tố di truyền, sinh học một cách nghiêm túc để hiểu rõ hơn chứng xu hướng tình dục này: nó không có hại cho cộng đồng vì không lây lan, chỉ thuộc một người hạn chế, nó không đe dọa sự tồn tại của giống loài, cũng chỉ liên quan đến một số đàn ông và đàn bà thường rất hiền lành. Vì vậy họ không thể là mục tiêu để phải chịu sự kỳ thị hoặc đàn áp của xã hội. Có hại hay không có hại cho giống loài có lẽ sẽ là cốt lõi của vấn đề chấp nhận hay không chấp nhận. Nhận thức như vậy cho nên trên thế giới nhiều nước đã đặt hành vi TDĐG dưới sự bảo vệ của pháp luật, coi đó là biểu hiện của xu hướng tính dục tuy khác thường nhưng cần được bình đẳng về mọi mặt như những người khác. Hiện nay cũng đã có nhiều tổ chức quốc tế bảo vệ quyền cho những người có xu hướng tính dục được coi là "thiểu số" này. Siecus, trong phát biểu về những nguyên lý của tính dục người đã nói: "Xu hướng tính dục là vấn đề thuộc về quyền cơ bản của con người, là thành phần của bản sắc giới, giới tính và là sự tự khẳng định chức năng tính dục của mỗi người thuộc tình dục đồng giới hay khác giới".
Mặc dù các xã hội phương Tây đã trải qua các giai đoạn biến động về lối sống và quan niệm về tình dục (những năm 60 đã có phong trào giải phóng phụ nữ và cuộc cách mạng tình dục trong đó có việc đòi quyền bình đẳng và hợp pháp cho những người TDĐG). Hơn 3 thập kỷ đã trôi qua, nhiều đòi hỏi của thời kỳ đó đã không còn được nhắc đến nữa như "tình dục không hạn chế", "cấm không được cấm" do xuất hiện nỗi kinh hoàng về căn bệnh AIDS. Nhưng với hành vi TDĐG thì thái độ của nhiều cộng đồng vẫn biểu lộ thái độ dung nạp, không thay đổi. Tuy nhiên, các cộng đồng xã hội văn minh, không trừ một cộng đồng nào, cho đến nay đều vẫn không tỏ ra dung nạp với nhiều hành vi tình dục sai lạc khác, nhất là hành vi cưỡng dâm, loạn luân, tình dục với trẻ em.
Sự không hiểu biết đầy đủ của một bộ phận cộng đồng về loại xu hướng tính dục này (những người TDĐG) đã gây cho họ nhiều khó khăn và thiệt thòi trong đời sống. Có nhiều người có tâm trạng bế tắc, chán chường, thậm chí muốn tự tử, có người đã cầu cứu đến các nhân vật khoa học, các nhà văn để giãi bày nỗi khổ của mình. Vậy không thể bỏ qua nguyện vọng chính đáng của họ là được sống như một nhân cách bình thường khác, không bị kỳ thị, thành kiến, coi thường. Có lẽ muộn còn hơn không bao giờ, đã đến lúc cần có những nghiên cứu nghiêm túc về thực trạng nhóm người có xu hướng tình dục khác thường này để có định hướng dư luận xã hội và giúp đỡ họ.
You have read this article with the title Nhân cách người tình dục đồng giới. You can bookmark this page URL https://tankmanww2.blogspot.com/2013/02/nhan-cach-nguoi-tinh-duc-ong-gioi.html. Thanks!